Giáo dục người Công giáo sống một đời sống Tin Mừng theo Kinh Thánh, giáo lý là một trong những việc rất quan trọng, được những Thừa sai và các linh mục người Việt Nam quan tâm từ buổi đầu truyền giáo và phát triển đạo ở nước ta. Một trong số những hình thức giáo dục được họ lựa chọn để hướng dẫn giáo dân là qua hình thức ca vè vãn. “Nịch Ái Vong Ân” của linh mục Trần Lục là tiêu biểu.
Giới thiệu về tác giả Nịch Ái Vong Ân – Linh mục Trần Mục
Linh mục Trần Lục còn được gọi là Cụ Sáu (1825-1899), nguyên quán ở làng Mỹ Quan, tổng Cao Vĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian làm chính xứ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) khoảng từ 1865 đến 1899, cụ Trần Lục đã tổ chức xây dựng quần thể khu Nhà thờ lớn Phát Diệm rất nổi tiếng với phong cách kiến trúc phương Ðông và là nét độc nhất vô nhị của kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam.
Không những thế, cụ còn chính là tác giả của những bài ca, văn, vè hiện vẫn còn được lưu truyền. Tương truyền sáng tác của linh mục Trần Lục gồm hai nội dung chủ yếu: về tôn giáo và lối sống đạo đức. Tất cả được tập trung in trong cuốn sách với tựa đề là Sách thuật lại ít nhiều ca vè Cụ Sáu đã làm, in vào năm 1920 tại Ninh Bình.
Ông đã cho ra đời nhiều bài ca vè tôn giáo, các bài ca vè nội dung lối sống đạo gồm có: Hiếu tự ca (1088 câu), Nịch ái vong ân (440 câu) và Nữ tắc thường lễ (1016 câu). Phần lớn những bài ca vè về tôn giáo cùng thời gian đã bị thất lạc, hiện nay chỉ còn ba bài nội dung lối sống đạo. Ba bài này in trong cuốn Ca vè cụ Sáu, được tái bản lại nhiều lần. Trong 3 bài này thì NỊCH ÁI VONG ÂN, tác giả dành để giáo dục gia đình trẻ Công giáo.
Theo Từ điển Hán Việt – Ðào Duy Anh (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994) thì Nịch: nghĩa là chìm xuống nước – say mê quá; Nịch Ái: Vì thương yêu quá mà bị mê hoặc; Vong ân nghĩa là quên ơn người. Như vậy, Nịch ái vong ân hiểu một cách toát yếu là: Do thương yêu say đắm mà đã quên ơn người.
Nội dung bài ca vè Nịch Ái Vong Ân
Ði vào nội dung cụ thể, qua bài ca vè Nịch ái vong ân thì cụ Trần Lục răn dạy thanh niên sống cuộc sống gia đình trẻ bắt nguồn từ quan niệm đạo vợ chồng trên nền tảng Kinh Thánh cho đến việc chọn vợ, các bước tiến tới và thiết lập gia đình khi có vợ rồi (đã lập gia đình), vợ chồng cư xử với nhau như thế nào để được hòa thuận, tránh sự phân ly…; Ðôi vợ chồng trẻ có trách nhiệm chăm lo và đối đãi với gia đình bố mẹ hai bên (tứ thân phụ mẫu), đối với họ hàng thân thuộc, láng giềng sao cho vừa đúng với giá trị đạo đức truyền thống lại vừa đúng với tinh thần Kinh Thánh và giáo lý Công giáo.
Trước hết, dựa vào nền tảng Kinh Thánh, cụ dạy đôi vợ chồng trẻ biết khi yêu nhau và gắn bó một đời với nhau họ trở nên một.Theo đạo đức truyền thống thì vợ chồng lấy nhau về là để “ăn đời ở kiếp” cùng nhau.
Còn theo giáo lý Công giáo khi họ lấy nhau thì đã được Thiên Chúa kết hợp lại làm một và không thể phân ly được, vì vậy mà việc chọn đối ngẫu là vô cùng quan trọng. Vấn đề này, người con trai phải giữ vai trò chủ động.
Tác giả Nịch ái vong ân khuyên người con trai khi đến với người con gái phải bằng một tình yêu thực sự, không phải đối ngẫu là con nhà giàu hay nhà có thế lực để dựa dẫm, càng không phải vì say đắm sắc đẹp.
Người con trai muốn chọn vợ phải tìm hiểu về gốc gác gia đình vợ, đặc biệt tìm hiểu kỹ càng người đối ngẫu sẽ làm vợ của mình trong tương lai. Ðồng thời khi người con trai chọn vợ thì đừng quá tin tưởng vào người mai mối, bởi nhiều khi để có thể “tác thành” cho đôi lứa mà họ lại nói sai sự thật, để khi nên vợ chồng rồi mới vỡ lẽ ra.